Nếu bạn là một tín đồ của lẩu hải sản, có lẽ bạn cũng không ít lần băn khoăn không biết làm thế nào để có được một nồi lẩu thơm ngon, hợp khẩu vị. Cùng ẩm thực Huế tổng hợp 5 cách nấu lẩu hải sản thơm ngon dễ nấu tại nhà để thưởng thức cùng gia đình nhé!
Lẩu hải sản là món ăn được nhiều người yêu thích, bởi không những ngon mà nó còn rất dễ nấu. Tận dụng độ ngọt từ các loại hải sản để làm nên nước lẩu ăn cùng với các loại rau, nấm đặc trưng dễ tìm ở Việt Nam. Lẩu hải sản thường được nhiều gia đình lựa chọn để chế biến vào những dịp lễ hoặc cuối tuần, vì vừa có thể thưởng thức vừa trò chuyện, chia sẻ với nhau.
Để hiểu thêm về cách nấu lẩu hải sản chua cay tại nhà, ẩm thực Huế sẽ gợi ý cho bạn những cách sau đây, hãy cùng tham khảo nhé!
1. Lẩu hải sản chua cay
Lẩu hải sản chua cay là món lẩu thơm ngon, đậm vị, với thành phần chính là hải sản, thịt bò, xương ống, các loại nấm và rau các loại.
Nguyên liệu nấu lẩu hải sản chua cay
-
Các loại hải sản: Mực, tôm, nghêu
-
Thịt bò
-
Nấm rơm, 1/4 trái thơm, lá chanh, cà chua, sả, tỏi, hành tím, ớt, rau thơm
-
Gia vị: Gia vị nấu lẩu thái, dầu ăn, đường, muối
-
Các loại rau ăn kèm: Bún tươi, rau muống, bắp cải thảo, rau nhúc,…
Cách chọn thịt bò tươi ngon
– Bạn nên chọn thịt bò có màu đỏ tươi, mỡ có màu vàng nhạt, gân bò màu trắng và cứng nếu ấn vào.
– Thịt bò tươi ngon thường có độ đàn hồi tốt, không dính tay, khô ráo, không nhớt và không có mùi hôi thì đó là thịt tươi và vẫn mới
Cách nấu lẩu hải sản chua cay
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Các loại hải sản, thịt bò rửa sạch cắt miếng vừa ăn, nấm rơm rửa sạch nếu nấm lớn thì cắt đôi. Cà chua cắt múi cau, sả, ớt, hành tím băm nhỏ.
Các loại rau ăn kèm bỏ các phần già, bẻ khúc vừa ăn.
Bước 2: Nấu nước lẩu
Để món lẩu thái chua cay ngon bạn nên chuẩn bị nồi nước, sử dụng xương ống hầm trong khoảng 2 tiếng để lấy nước ngọt.
Chuẩn bị 1 cái nồi, cho sả, hành tím, ớt, cà chua và đảo đều cho thơm rồi cho nước hầm xương vào, nước sôi thì cho gói gia vị nấu lẩu thái, nêm nếm lại cho vừa ăn là đã có ngay nồi nước lẩu thái thơm ngon rồi.
Bước 3: Thành phẩm
Trước khi ăn, bỏ nấm rơm vào cho nấm chín, các loại hải sản, thịt bò ăn tới đâu nhúng tới đó. Vị chua cay của nước lẩu hòa quyện với vị ngọt từ hải sản khi ăn kèm với bún là rất hấp dẫn luôn đó nha.
2. Lẩu hải sản Hàn Quốc
Nếu có đam mê với ẩm thực Hàn Quốc thì bạn không thể bỏ qua món lẩu hải sản Hàn Quốc cực kỳ hấp dẫn này.
Nguyên liệu nấu lẩu hải sản Hàn Quốc
-
Các loại hải sản: Nghêu, mực ống, ghẹ, tôm sú, bạch tuộc
-
Rong biển tươi, ớt không cay, hành boa rô, tần ô, củ cải, tỏi, gừng
-
Gia vị: Nước tương, bột ớt, muối
Cách khử mùi tanh cho hải sản
– Để khử mùi tanh cho hải sản thì sau khi làm sạch, bạn hãy ngâm vào nước pha muối, đường và chút rượu trắng
– Nếu hải sản quá tanh, bạn có thể ngâm trong nước vo gạo khoảng 15 phút trước khi chế biến, đặc biệt lá trà phơi khô cho vào món cá cũng giúp khử mùi tanh rất hay.
Cách nấu lẩu hải sản Hàn Quốc
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Các loại hải sản rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, nghêu ngâm trong nước vo gạo 2 giờ để nghêu nhả hết cát. Các loại rau rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Tỏi, gừng băm nhỏ.
Bước 2: Nấu nước lẩu
Củ cải và rong biển tươi cho vào nồi cùng 2 lít nước nấu cho chín mềm. Cho vào nồi hỗn hợp gia vị gồm 2 thìa nước tương, 3 thìa bột ớt, 1 thìa tỏi bằm, 1/2 thìa gừng băm nhỏ. Đun sôi và nêm nếm lại cho vừa ăn. Cuối cùng cho ghẹ vào nấu sôi rồi đến các loại hải sản khác.
Bước 3: Thành phẩm
Khi ăn cho các loại rau tần ô, hành boa rô vào trụng chín và thưởng thức. Ăn kèm lẩu với bún, mì, kết hợp với chén nước tương nấu hoặc mù tạt xanh là rất tuyệt vời.
3. Lẩu hải sản Tomyum
Món lẩu này là sự kết hợp hài hòa của nhiều loại gia vị và nguyên liệu khác nhau, đó là vị thơm béo của nước cốt dừa, cay nồng của sả, thanh mát của lá chanh và vị chua dịu nhẹ của cà chua.
Nguyên liệu nấu lẩu hải sản Tomyum
-
Cá thu, thịt bò, mực, tôm
-
Nấm, rau muống, bông thiên lý, riềng, sả, ớt sừng, lá chanh, tỏi
-
Gia vị: Nước cốt dừa, sốt tomyuum, bột ngọt, bột nêm, nước mắm
Cách nấu lẩu hải sản Tomyum
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cá thu, mực, tôm rửa với chút nước pha với giấm để khử mùi tanh, Thịt bò rửa sạch thái mỏng. Các loại rau ăn kèm rửa sạch, cắt khúc vừa ăn. Riềng, sả, ớt băm nhỏ.
Bước 2: Nấu nước lẩu
Để nước dùng được thơm và ngọt hơn, bạn phi thơm tỏi, cho riềng, ớt, đầu tôm, nêm thêm một ít bột ngọt và nước mắm vào xào nhanh, sau đó cho thêm nước vào, đun sôi. Đến khi đầu tôm nổi lên rồi thì cho chanh, sả, ớt, riềng, sốt tomyum, nước cốt dừa vào, nêm gia vị cho vừa ăn.
Bước 3: Thành phẩm
Hoặc bạn có thể sử dụng gói gia vị có sẵn Tomyum Vipep nếu không có nhiều thời gian để chuẩn bị nguyên liệu nhé, yên tâm là hương vị vẫn đậm đà và ngon nữa.
4. Lẩu hải sản cua đồng
Nồi lẩu hải sản cua đồng nóng hổi, nước dùng ngọt thanh, được nêm nếm vừa phải. Hải sản tươi, chắc thịt kết hợp với vị béo của gạch cua. Khi nước sôi thì nhúng từng loại đồ ăn vào và chấm nước mắm ớt thì thật tuyệt vời.
Nguyên liệu nấu lẩu cua đồng hải sản
-
500g cua đồng
-
500g xương ống
-
500g thịt gà
-
500g ghẹ
-
400g mực ống
-
300g tôm sú
-
250g phi lê cá chẽm
-
4 miếng đậu hũ non
-
2 trái khế
-
2 trái cà chua
-
Vài củ hành tím, 1 nhánh gừng
-
Rau ăn kèm gồm: Mướp, bông điên điển, bắp chuối bào
-
Gia vị thông thường gồm: Muối, hạt nêm, nước mắm, mắm tôm, dầu ăn, dầu màu điều
Cách nấu lẩu hải sản cua đồng
Bước 1: Nấu nước hầm xương
Cho thịt gà và xương ống vào nồi đun cùng với vài nhánh hành lá, khi thấy nồi sôi và bắt đầu ra các chất bẩn ở trên bề mặt thì vớt thịt gà và xương ống ra xả lại với nước lạnh, sau đó cho vào nồi khác cùng 2 lít nước đun trong vòng 1 giờ để làm nước dùng, thường xuyên vớt bọt để nước lẩu được trong.
Bước 2: Làm riêu cua
Cua đồng sau khi mua về bạn hãy ngâm trong nước vo gạo 10 phút, sau đó xả sạch lại với nước.
Sau đó bạn lột mai và tách đôi con cua ra, sau đó dùng muỗng để lấy hết phần gạch cua ra một cái đĩa riêng, còn phần thịt còn lại bạn cho vào cối giã hoặc máy xay cho nhuyễn hết.
Nếu muốn tiện hơn bạn có thể mua cua đồng rồi nhờ tiệm lấy gạch và xay thịt sẵn giúp bạn luôn nhé.
Kế đó bạn cho 1 muỗng cà phê muối vào tô thịt cua đã giã nhuyễn rồi đổ khoảng 100ml nước vào, trộn đều lên. Sau đó bạn dùng ray để lọc lại phần thịt cua xay này để riêu cua khi làm không bị lẫn vỏ nha.
Bước 3: Sơ chế hải sản
Mực ống làm sạch, dùng dao khứa các đường ca rô trên miếng mực rồi cắt miếng vừa ăn.
Thịt phi lê cá chẽm bạn cũng cắt thành miếng vừa ăn. Ghẹ rửa sạch, tách mai cua, cắt đôi phần thân.
Tôm sú bạn lột vỏ, chẻ đôi và lấy phần chỉ đen ở lưng tôm ra.
Thanh cua cắt đôi hoặc để nguyên tùy ý.
Bước 4: Sơ chế rau củ
Cà chua cắt múi cau và bỏ hạt. Khế thì cắt lát.
Hành lá cắt khúc, còn gừng cạo vỏ và cắt lát.
Hành tím lột vỏ và cắt lát. Tỏi đập dập. Sả cắt khúc và đập dập.
Bước 5: Nấu nước lẩu
Cho 2 muỗng canh dầu ăn vào chảo, dầu nóng thì cho hành tím và tỏi vào phi vàng. Kế đến bạn cho luôn cà chua, hành lá và gừng, sả vào xào chung luôn, khi cà chua chín thì bạn trút tất cả ra tô để riêng.
Kế đến bạn tiếp tục cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo, dầu nóng cũng phi tỏi và hành tím cho vàng thơm sau đó cho gạch cua vào xào chín, cho thêm 1 muỗng canh dầu điều để tăng thêm màu sắc.
Lúc này, phần nước hầm xương cũng đã nấu xong thì bạn vớt thịt gà và xương ống ra, cho nước lọc cua và gạch cua xào vào đun, khi nước vừa sôi thì riêu cua sẽ nổi lên bề mặt, bạn vớt riêu cua ra để riêng.
Cho thêm vào nồi rau củ đã xào và ghẹ để nấu chín, nêm nếm lại với 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng cà phê mắm tôm, 1 muỗng canh giấm bổng, thử lại lại cho vừa khẩu vị thì tắt bếp.
Bước 6: Chiên đậu hủ
Đậu hũ non bạn cắt thành những khối vuông sau đó cho vào chảo dầu chiên vàng đều các mặt thì vớt ra thấm bớt dầu.
Bước 7: Thành phẩm
Lẩu cua đồng sau khi nấu trông vô cùng ngon mắt với nước lẩu sôi làm dậy hương thơm cua đồng đặc trưng, vị đậm đà từ thịt cua, hải sản. Bạn hãy nhúng rau và ăn cùng bún tươi hoặc mì sợi nhé.
Thưởng thức
Dọn nồi nước lẩu lên bàn, bày hải sản, đậu hũ cùng các loại rau xung quanh. Khi nước sôi thì nhúng từng loại đồ ăn vào và chấm nước mắm ớt là bá cháy bò chét luôn đấy.
5. Lẩu nấm hải sản
Khi ăn thì bạn nên cho lần lượt tôm mực cùng các loại rau nấm ăn kèm vào nấu đến khi chín tới thì ăn ngay. Nguyên liệu vừa chín tới vẫn giữ được sự tươi ngọt nguyên vị, chấm cùng với nước mắm ớt thì ngon tuyệt hảo.
Nguyên liệu nấu lẩu nấm hải sản
-
1 kg xương gà
-
1 củ cải trắng
-
1 củ cà rốt
-
300g tôm, mực
-
Táo tàu, kỷ tử (có thể bỏ qua nguyên liệu này)
-
1 nhánh gừng, 1 củ hành tây, 1 củ tỏi
-
Hành tím, ớt
-
Gia vị: muối tiêu, hạt nêm, nước mắm, đường phèn, dầu mè
-
Rau ăn kèm: nấm (linh chi trắng, linh chi nâu, kim châm, đông cô, đùi gà… tùy sở thích), rau (cải cúc, mầm rau muống, hoa thiên lý… tùy sở thích)
Cách nấu lẩu nấm hải sản ngon tuyệt cú mèo
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu và ninh nước dùng
Tôm và mực rửa sạch với nước và rượu để khử mùi tanh. Mực cắt vừa ăn hoặc để nguyên con tùy sở thích.
Cà rốt và củ cải trắng gọt vỏ, cắt khoanh. Nếu bạn dùng nấm đông cô khô thì rửa sạch, ngâm với nước lạnh. Các loại rau nấm ăn kèm rửa sạch rồi để ráo, cắt khúc vừa ăn.
Hành tây lột vỏ cắt đôi, hành tím lột vỏ, củ tỏi cắt ngang, gừng cạo vỏ rồi cắt lát. Các bạn nướng sơ qua các nguyên liệu này để khi nấu nước lẩu được thơm nhé.
Xương gà các bạn rửa với nước và muối cho sạch, cho vào nồi cùng với nguyên liệu đã nướng. Thêm nước vào đủ với lượng ăn. Ninh với lửa vừa trong vòng 1 tiếng.
Bước 2: Nấu nước lẩu
Nước dùng sau khi ninh các bạn lọc lấy nước cho vào nồi khác. Thêm củ cải trắng, cà rốt, táo tàu và kỷ tử vào nấu. Nêm nếm cho vừa với khẩu vị.
Khi củ cải chín tới, thêm 1 thìa cà phê dầu mè để nước lẩu thật thơm hấp dẫn. Cho ớt vào nếu bạn ăn cay và tắt bếp. Vậy là nước lẩu của chúng ta đã nấu xong rồi.
Thành phẩm
Cho nước lẩu ra nồi lẩu. Khi ăn thì lần lượt cho tôm mực cùng các loại rau nấm ăn kèm vào nấu đến khi chín tới thì ăn ngay. Nguyên liệu vừa chín tới vẫn giữ được sự tươi ngọt nguyên vị, chấm cùng với nước mắm ớt thì ngon tuyệt hảo. Món này ăn cùng bún, mì đều hợp bạn nhé!
Trên đây là 5 cách nấu lẩu hải sản thơm ngon mà ẩm thực Huế muốn gửi đến bạn. Hy vọng với những gợi ý này, bạn sẽ có cho mình những cách nấu lẩu hải sản thơm ngon để thưởng thức cùng gia đình nhé.